Khi mọi việc của ông ngoại được chu toàn, viên mãn, tôi tình cờ được biết đến một câu chuyện đặc biệt của gia đình gắn với giai đoạn lịch sử không thể quên của đất nước…
Cụ ngoại tôi sinh con chưa được 1 tuổi thì trận đói mùa đông 1945 ập đến, không còn cái ăn từ lâu, biết mình sắp không qua khỏi, cụ bà yếu ớt nói với cụ ông và ông ngoại tôi (lúc đó 13 tuổi) mang đứa con nhỏ đi cho để tìm cơ hội sống cho con.
Cụ ông ngậm ngùi đau xót dẫn ông ngoại tôi, bế ẵm cậu em út đi vào chợ Nguyễn để cho người ta, nhưng hỏi mấy chỗ chẳng có ai nhận, vì cái ăn nuôi thân còn khó, làm gì ai muốn nhận con nuôi!???
Đặt người con trai bé bỏng trong cái thúng ở gần giếng làng, cụ tôi đứng nấp bên đường chờ người qua. May sao, một người phụ nữ góa, có 1 đứa con đi gánh nước qua gặp đứa bé yếu ớt đưa về nhà. Ông ngoại tôi được cụ sai đi theo người phụ nữ đó để biết, mai này còn có thể đến tìm em.
Quay về, kịp báo tin con đã có người nhận thì cụ bà ra đi. Cụ ông lại tần tảo đi lên tỉnh làm phu để nuôi con, mỗi đêm về đều gánh về vài cái tiểu sành để dân làng có cái chôn người chết đói.
Lớn hơn 1 chút, ông ngoại tôi ngày ngày kiếm cớ đi bán chiếu qua nhà bà mẹ nuôi tốt bụng để nhìn em, mua quà bánh cho trẻ con ở đó để em mình được ăn. Cụ ông mất, lời trăng trối để lại cho con trai lớn là phải tìm lại em…
Mấy năm bán chiếu qua nhà em, cuối cùng ông ngoại tôi cùng tìm được dịp để vào nói chuyện, chỉ xin nhận nhau chứ cũng không dám “đòi” em về. Từ đó, hai bên gia đình đã kết nối tình thân vì một chữ tâm duyên. Em trai của ông lớn lên trong gia đình mẹ nuôi, tố chất thông minh, học giỏi nên được mẹ và anh trai nuôi hết lòng đùm bọc, tạo điều kiện. Anh trai nuôi còn bắt ông phải “thoát li” để cuộc đời thêm khởi sắc, con người được tiến bộ!

Câu chuyện tưởng như trong phim về một giai đoạn khó khăn của dân tộc ta ấy, tôi được biết đến qua lời kể của cậu tôi, người con trai của cậu bé được các cụ tôi mang đi cho để khỏi chết đói ngày nào. Cậu thay cha về tiễn biệt người bác cả sáng dạ, bản lĩnh và nhân hậu vừa rời cõi tạm. Sau câu chuyện cậu họ kể, tôi và vợ xin được theo cậu về thăm gia đình nhà cụ bà tốt bụng và được chứng kiến mối tình cảm sâu sắc giữa những người không chung huyết thống mà gắn bó với nhau bằng ân tình sâu đậm chẳng kém gì ruột thịt.
Trên đường ra Hà Nội, tôi hỏi vợ tôi, nếu gặp phải hoàn cảnh như cụ và ông tôi, tôi có thể làm được gì?

BS. Hoàng Bùi Hải (Đời 16)