Được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2013, đền thờ Hoàng Bùi Hoàn (thôn Trạch Đồng, xã Quảng Trạch, Quảng Xương), mang đậm dấu ấn lịch sử và là một điểm tín ngưỡng, thu hút đông đảo người dân đến đây thực hành nghi lễ.

Để tìm hiểu rõ về lịch sử của ngôi đền, chúng tôi tìm gặp bác Hoàng Bùi Thơm, người trực tiếp trông coi di tích. Trò chuyện với chúng tôi bác cho biết: Hoàng Bùi Hoàn sinh trưởng trong “dòng họ lớn, nổi tiếng giàu sang phong lưu, để tiếng thơm cho đời ở khu vực Lưu Vệ” thời bấy giờ. Thân phụ của ông là Hoàng Nhữ, tự Đạo Thuấn “là bậc kiên trinh sắt đá, đi theo chúa Trịnh khôi phục cơ đồ sự nghiệp nhà Lê Trung Hưng, được phong Tán trị thừa chính sứ, Tả tham nghị, Đô đốc phủ, Phúc tài hầu. Khi mất, vua ban tên thụy là Đôn Mẫn phúc thần”. Thân mẫu của ông là Hoàng Quý thị, hiệu Trinh thục (không rõ tên huý). Bà sinh được 8 người con (5 trai, 3 gái), trai trưởng là Hoàng Bùi Hoàn.

Thuở nhỏ, Hoàng Bùi Hoàn đã chăm chỉ học hành, ngày đêm miệt mài kinh sử. Lớn lên, ông theo đường binh nghiệp, một lòng trung thành Phò giúp ba triều vua Lê: Gia Tông (1672 – 1676), Hy Tông (1676 – 1705) và Dụ Tông (1705 – 1729). Trải bốn mươi năm “ngôi cao chốn triều trung”, Hoàng Bùi Hoàn “tỏ rõ là người có năng lực, sáng suốt, đức sáng như ngọc, nhân phẩm trong như ngọc, không bè đảng, không thiên vị” (văn bia).

Theo sử sách, đền thờ Hoàng Bùi Hoàn được xây dựng vào những năm 1724 – 1726, thời vua Lê Dụ Tông, mặt nhìn về hướng Nam, bố cục theo kiểu chữ “Đinh”. Phía trước tiền đường là bái đường (sân), tiếp đó là hai tấm bia ghi dòng họ, thân thế sự nghiệp của Hoàng Bùi Hoàn, có nhà che bia làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái (nhà che bia đã bị phá). Phía ngoài cùng là bức bình phong và cổng vào đền. Ngoài ra, hai bên trục “thần đạo”(đường vào đền) có nhóm tượng bằng đá như: Voi, ngựa, chó đá, tượng võ sĩ được bài trí đăng đối.

Đền thờ Tướng công Hoàng Bùi Hoàn là một di tích lịch sử hết sức có giá trị. Những mảng chạm khắc trên bia, đế chân quỳ được bố cục hài hòa, phần lớn soi chạm kép, nét chạm khắc tinh xảo, đường nét uyển chuyển mềm mại, thể hiện trí thông minh, tài sáng tạo và bút pháp nghề nghiệp điêu luyện của người thợ đục đá xứ Thanh thời bấy giờ.

Toàn bộ hệ thống cột nhà làm bằng đá hình, mỗi cạnh rộng 0,23m, chiều cao của cột 1,97m, chân tảng và cột là một khối đá liền được đục đẽo công phu, nên mỗi cột đá được đứng vững một cách độc lập. Trên mỗi cột đều khắc một vế đối trong khuôn ô định sẵn. Toàn bộ câu đối đều không có lạc khoản tất cả hợp thành một “rừng trụ đá” vững chắc để đỡ toàn bộ cấu kết phần trên của các vì kèo và mái nhà. Phần kèo (từ quá giang trở lên) làm bằng gỗ theo kiểu chồng rường, kẻ suốt. Các vì kèo liên kết với nhau bằng hai đường xà. Toàn bộ kết cấu phần vì kèo được đặt trên hệ thống cột đá.

 

Nguyện vọng của chính quyền và bà con nhân dân xã Quảng Trạch (Quảng Xương), là sớm có kinh phí để trùng tu, bảo tồn đền thờ Hoàng Bùi Hoàn.

Ngoài kiến trúc đền thờ, ở đây còn có quần thể chạm khắc đá mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Trước hết, phải kể đến 2 tấm bia đá: bên tả là tấm bia “Tướng công bia ký”, bên hữu là tấm bia “Hoàng Bùi Tướng Công”, hai tấm bia đá còn khá nguyên vẹn.

Nhóm tượng bằng đá được bài trí đối xứng hai bên trục thần đạo, gồm có: Hai tượng chó đá có kích thước tương tự nhau, hai voi đá có kích thước khác nhau, được thể hiện trong tư thế quỳ phục chầu. Đặc biệt là đôi ngựa đá trong tư thế đứng chầu, cổ ngước cao, có 7 quả lục lạc, đeo sẵn yên cương được chạm khắc tinh tế, mềm mại.

Ngày nay, di tích này được giao cho dòng họ Hoàng ở địa phương trông coi, giữ gìn, hàng năm vào các ngày rằm, mùng 1 hay lễ tết không chỉ con cháu trong dòng họ mà bà con địa phương cũng đến thực hành nghi lễ ở đây. Giá trị lịch sử là vậy, tuy nhiên, có một điều mà chính quyền và nhân dân địa phương luôn trăn trở đó là trải qua thời gian, cùng với mưa nắng… nên đền thờ ngày càng xuống cấp, mái ngói vây cũ đã thay bằng ngói khác, những mảng tường của đền đã hằn vết rạn nứt và rêu bám phủ dày. Các văng kèo xà cột đang bị mối mọt ăn mòn dần, mùi ẩm mốc bay lên nồng nặc. Ngay cả tấm bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, nay cũng đã hoen ố cùng thời gian.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Bá Hiền – Trưởng phòng VHTT huyện Quảng Xương, cho biết: Ngôi đền nếu được trùng tu, bảo tồn chắc chắn sẽ tôn nghiêm hơn, cao ráo, rộng rãi, sạch đẹp hơn và sẽ thay đổi diện mạo của ngôi đền cũ nhưng dấu vết của di tích lịch sử chắc chắn sẽ không bị phai mờ. Chính vì vậy mà con dân xã Quảng Trạch cũng như chính quyền địa phương mong sao các ngành, các cấp quan tâm, sớm phê duyệt kinh phí để trùng tu, bảo tồn một Di tích lịch sử kiến trúc cấp Quốc gia để bà con dân làng luôn tự hào về truyền thống của quê hương mình.

https://www.vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/sac-thai-xu-thanh/doc-dao-di-tich-den-tho-hoang-bui-hoan.html