Theo gia phả của dòng họ còn giữ được nguyên vẹn thì dòng họ Hoàng Bùi phát tích trang Đông Cầu, xứ Hải Dương (Có thể là Làng Đông Cầu, Xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Cụ khởi tổ là Hoàng Tính từ Hải Dương vào làm ăn ở trang Câu Đồng phủ Tĩnh Gia tổng vệ Yên, ngày nay là làng Câu Đồng xã Quảng Trạch huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, lập nên dòng họ Hoàng Bùi tồn tại và phát triển gần 500 năm nay với 18 đời, 450 hộ và gần 1500 khẩu.

Dòng họ có 4 chi:

  • Chi nhất có 2 cành – cành trưởng Hoàng Bùi ở lại nhà tổ ở làng Câu Đồng xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa; cành 2 Hoàng Trọng ở làng Cổ Hậu, xã Quảng Tân cùng huyện.
  • Chi hai:
    • Hoàng Văn- Lê Ích ở làng Lưu Huyền – Lệch Giang
    • Cành Hoàng Doanh ở làng Trường Lệ, xã Quảng Vinh, Quảng Xương
  • Chi ba: Hoàng Ngọc ở làng Ngọc Đới, sau này ông bà sinh quý tử đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan tri phủ ở Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên và cũng từ đó không còn hiên lạc với họ tổ nữa.
  • Chi bốn: Nguyễn Hoàng ở làng Thịnh Trị, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa

Trưởng tộc hiện nay đời thứ 15 là ông Hoàng Bùi Thơm, 74 tuổi.

Các đời của dòng họ đều có người làm quan.

Đời thứ 5 cụ Hoàng Bùi Hoàn làm quan ở trong triều suốt 3 triều vua Lê: Vua Lê Gia Tông (1672-1676), Vua Lê Hy Tông (1676-1705), Vua Lê Dụ Tông (1705-1729).

Về công trạng của tướng công, sách Đại Nam Nhất Thống Chí tập VI do Quốc Sử giám triều Nguyễn biên soạn có ghi:

“Hoàng Bùi Hoàn người huyện Quảng Xương đời Bảo Thái làm Tả Đô Đốc Trường lưu thủ Trấn Thanh Hoa, gia phong Thái bảo, chết tặng Thái Phó Tước: Vệ quốc tổng  sách đã dẫn trang 2783 niên hiệu Thái bảo đời vua Lê Dụ Tông.

Văn bia tại đền thờ cụ còn lưu giữ nguyên vẹn có ghi công trạng của cụ:

“ Nắm binh phiên cốt giản dị rõ ràng

Luyện ba quân mạnh như hổ gấu

Giữ hiệu tiền thì rèn nghiêm quân lệnh

Khiến bao biến loạn dẹp yên

Khi nhận chức trừ tào thì thường xuyên luyện tập quân sỹ thuần thục

Thực là nhanh vuốt, uy vũ của triều đình”

(Trích bia tướng công Hoàng Bùi Hoàn)

Khi tướng công qua đời, nhân dân 28 làng xã ở hai huyện Quảng Xương và Đông Sơn lập khế ước cùng nhau dâng lễ vật cúng tế cụ tại đền thờ vào ngày 25/7 âm lịch hàng năm. Tục lệ này đến nay vẫn còn được duy trì.

Đền thờ tướng công được nhà nước cấp tiền, nhân dân trong vùng góp công sức xây dựng nên. Đó là một ân sủng hiếm có của triều đình.

Đền thờ được đánh giá là di tích có một không hai ở Thanh Hóa. Toàn bộ phần mái trên của ngôi đền được đặt trên 4 dãy cột 24 cột đá vuồng 0,25×0,25×1,97m. Cột được trau chuốt cẩn thận và có khắc câu đối ở giữa mỗi cây cột. Bàn thờ và hương án các cặp vệ sỹ, đôi hạc, đôi ngựa, đôi voi, đôi chó ngao đều bằng đá đục đẽo công phu.

Hiện nay Đền đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Nghệ thuật cấp Quốc gia.

Hoàng Bùi Thơm  (Trưởng họ đời 15)