TƯỚNG CÔNG BI KÍ (HOÀNG BÙI HOÀN)
Bia được làm bằng một tấm đá nguyên khối, thuộc loại bia hộp biến thể 4 mặt, dựng tại đền thờ Tướng công Hoàng Bùi Hoàn, xã Quảng Trạch huyện Quảng Xương. Phần trán bia chạm nổi, trên phần đỉnh trán tạo hình chó mũ bình thiên, phía dưới soi gờ chỉ. Phần trán tạo một lớp lá khối nổi úp lên phần trán, phần chính giữa tựa hình hổ phù với các vòng xoắn đao lửa. Phần thân bia tạo đường viền quang bia, phía trong viền khắc nổi mổi đôi câu đối, tương xứng với mỗi bên mỗi câu 6 chữ.
Niên đại: Bảo Thái thứ 5 (1724).
Người soạn: Lê Vỹ, đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần (1710), chức Hoàng Tín đại phu, Quang lộc tự khanh Tu thận doãn.
Dịch nghĩa:
BÀI KÍ GHI VỀ TƯỚNG CÔNG
Văn bia ghi việc các thôn Câu Đồng Nội, Câu Đồng Ngoại, Câu Đồng Thượng, Thượng Thọ, Phú Đa Đông, Nhân Trạch Đoài, Nhân Hậu, Mãn Tiên, Vạn Thu, Nhân Trạch Đông, Mãn Triều, Thuần Hậu, An Biên Tiền thôn, Thọ Sơn, Ngọc Am, Quảng Độ, Đông Trung, Nhân Trạch, Đa Sĩ, Ngoại Giáp, Thọ Lộc, Văn Vật thuộc các xã Lưu Vệ, Hoàng Thanh, Cát Lâm, Bất Quần, Mỹ Cảnh, Mỹ Trạch, Văn Lâm Thái, Ngọc Mai, Quang Chiếu, Quảng Xuyên của hai huyện Quảng Xương và Đông Sơn thuộc hai phủ Tĩnh Gia và Thiệu Thiên1 cùng lập quy ước về việc thờ tự Hoàng Bùi Tướng công.
Làm bia ký để ghi nhớ công đức. Bởi vậy, lòng người cùng gắn kết hướng về, nhớ mãi công đức của Hoàng Bùi Tướng công thì không gì bằng việc lập bia ký.
Vệ Quận công Hoàng Bùi, húy Hoàn, phụng mệnh triều đình làm quan Lưu thủ xứ Thanh Hoa, Tri An Trường phủ nội trấn cơ Cai cơ, Thị nội giám Tư Lễ giám Tổng Thái giám, Đô Hiệu điểm ty Hữu hiệu điểm. Thật là một danh gia ở quê ta vậy. Ông xuất thân từ dòng tộc lớn họ Hoàng, phú quý phong lưu, để lại nhiều tiếng thơm nối đời có công với nước, các thế hệ con em đều kế thừa truyền thống tốt đẹp của ông cha. Đó là nhờ phong thổ nơi đây, có hình thế núi sông kỳ vỹ tinh anh, địa linh nhân kiệt, nuôi dưỡng chung đúc nên con người hiên ngang, nhân phẩm đẹp tốt như ngọc, như ngà. Hoàng Bùi Tướng công vốn sẵn tính trời, công bằng chính trực, không thiên không lệch, không vây bè đảng. Người ấy, đức ấy chính là đắc dụng cho quốc gia, thiên hạ vậy.
Ngài làm quan từ khi mới ngoài 20 tuổi, xuyên suốt ba triều vua, trải bốn đời tận tâm phục vụ, tấu bày mọi việc không lúc nào là không rõ ràng. Việc tiến cử dùng người thường căn cứ vào năng lực, chuyện cất nhấc người thân, chuyện đút lót mà được thăng quan tiến chức, hữu đặc quyền đặc lợi rất hiếm xảy ra. Bản thân ngài cũng nhờ nỗ lực mới được ân sủng đặc biệt, công thành danh toại, lộc phú tước tôn, rạng rỡ đời trước, tự hào đời sau; cha mẹ được truy phong, hiếu nào hơn thế? Tử tôn được lập ấm, hiền nào bằng thế? Điền ruộng nối bờ liền khoảng mênh mông mà của cải thì có dư. Tuổi ngót tám mươi, nhưng dung mạo vẫn còn quắc thước. Giàu ấy đẹp thay, thọ ấy tốt thay! Với làng nước, đồng bào trước cùng một xã, sau chung một tổng, từ người gần cạnh đến bốn bên láng giềng đều được thấm nhuần ân trạch.
Cha hiền sinh ta, mẹ hiền nuôi ta, ta được trời che đất chở. Ta ngồi ở chốn đình trung mà nghe thấy công đức của Tướng công lồng lộng như trời cao, như biển rộng không bến bờ. Bọn chúng ta cùng đội ơn tướng công, cho nên các xã thôn đều đồng thanh tương ứng, báo đền công đức như biển rộng trời cao của Tướng công. Mà công ấy đâu nhất thời có thể báo đáp cho đủ. Phật pháp có câu: Có công với dân thì tất được thờ phụng. Vì thế Tướng công được các xã thôn nghìn năm về sau thờ phụng lập làm Thành hoàng, năm tháng thờ phụng tại bản triều, vạn cổ như sinh, vĩnh vĩnh huyết thực vô cùng. Hàng năm tế đủ các tiết và ngày kỵ của hiển khảo, hiển tỉ. Bản quy ước này được dùng mãi mãi để nghìn năm nhớ công ơn của ngài. Mọi người cùng thề, quỷ thần chứng giám.
Hoàng triều niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724).
Lê Vỹ đỗ đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần (1710), chức Hoàng Tín đại phu, Quang lộc tự khanh Tu thận doãn, người làng Hòa Bình huyện Văn Giang xứ Kinh Bắc soạn văn bia.
Các đồ vật bằng đá cho đến bia đá khắc chữ đều do ông Nguyễn Văn Bạch, Nguyễn Văn Quyến, quê xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương vâng khắc.
Kê khai:
Toàn xã Lưu Vệ cẩn thận thuật lại: Sắc chỉ cho việc đồn điền thuế tô. Khải cầu: Nay sắc các việc ở Toàn Đồ cùng tu sửa đồ vật tế khí nghi trượng của miếu đền ta, cùng tiền cổ mấy nghìn quan, lại tăng thêm huệ tiền, cổ tiền một trăm năm mươi quan, cùng ruộng phúc huệ mười bốn mẫu, cùng chia đều trong ngoài hai thôn chấp khoán. Ruộng bốn mẫu cộng lại là mười tám mẫu làm việc nghi tiết để bản xã thờ tự.
Ngày nhập tiệc ca xướng thì nghênh đón hai vị Đại vương từ sau đến xứ này. Lúc đó đến đền miếu nghênh đón mới hành lễ theo nghi thức, bày bài vị bên trái, mỗi đêm thay nhau dâng gà một con, xôi một bàn cùng rượu, vàng mã, trầu cau các vật.
Các lễ Tết, các ngày mồng 1, mồng 2, mồn 3, mỗi ngày luân phiên thứ tự làm gà một con, xôi một mâm cùng rượu, vàng mã, trầu cau các vật. Ngày mồng 1 chia 5 phần, ngày mồng 2 chia 4 phần và ngày mồng 3 chia 4 phần.
– Lễ cuối Xuân.
Lễ Thường mùa hạ, ngày 15 tháng 4.
– Lễ Đoan ngọ.
Mùa thu lễ Thường trước dùng lễ vào ngày 15 tháng 9.
– Lễ cuối Đông:
Các lễ trong ngày tháng chạp ngày 25 tháng 12. Mỗi phần, đến lúc thì làm gà 1 con, xôi 1 mâm, rượu vàng mã, trầu cau các vật.
Mỗi ngày giỗ, làm thịt một con lợn, xôi 1 mâm cùng các vật rượu, vàng mã và trầu cau.
Mỗi ngày kị giỗ làm cỗ lợn 1 con, xôi 1 bàn, cùng rượu trầu cau vàng mã các vật.
Tiên từ quý Hiển khảo tỉ mỗi khi đến giỗ thì làm lễ phần 1 con lợn, một mâm xôi cùng trau trầu vàng mã các loại, cùng đưa đến đền thờ tế tự theo nghi thức.
Đền thờ cùng đồ tế khí, nghi vệ, lâu ngày hư hỏng bụi mọt, toàn xã trùng tu làm mới. Và chia đều cho 2 thôn trong ngoài, theo mỗi phần tế tự các tiết tại đền thờ. Đầy đủ các vật, quét tước, đèn dầu hương hoả. Hai tiết giỗ thì làm thịt gà trầu cau các vật, lòng thành kính dâng tế cáo. Lại đến ngày tháng Chạp thì làm tiệc mới, ca hát tại đình trung của bản xã lại dùng tiệc phụng tự toà vị, cùng nghênh đón đưa trong các ngày, lại dùng gà trầu cau các vật tế tự cùng các vật cho đến xong tất. Như đồ tế khí các vật đưa về hai thôn, mỗi thôn theo luân lưu hàng năm để làm việc theo lệ. Hai thôn trong ngoài mua gỗ lim ngói đỏ dựng xây nền chùa, cùng công đức ruộng đất cùng tiền bạc để làm đường lớn đi qua, lại cho sơn son thếp vàng 2 bàn cùng ba cái thanh la, hai chiếc hoả khí, hai các nồi đồng to, hai cái búa đồng to, hai cái chum đồng, hai cái hòm đồng. Còn làm thêm các vật đồ tế khí, cùng đồ nghi vệ. Lại đến mua chai cái chiền từ nước Lào cùng cổ tiền 1500 quan. Lại thêm cúng cổ tiền 100 quan, bạc 30 lạng, ruộng tốt 3 mẫu cùng các xã thôn Thượng Thọ, Phúc Đa, Đông Đoài, Nhân Hậu, Mãn Tiên, Vạn Thu, Mãn Triều, Thuần Hậu, An Biên, Tiền Đoài, Họ Sơn, Ngọc Am, Quảng Độ, Đông Trung, Nhân Trạch, Quan Trạch, Ngọc Mai, Đa Sĩ, Ngòi Giáp, Thọ Lộc, Văn Vật… mua tạo các vật đồ tế khí bản vị, kiệu khăn lọng tía, quần áo mũ dây khăn hương án cùng ngựa hạc chuỳ đồng… cho đình miếu, lại ban thêm cho bàn son, nồi đồng, chậu đồng, cùng chiêng đồng thau từ nước Lào, với ruộng tốt, tiền nhiều và chia đều tiền cúng hai thôn trong ngoài là 7583 quan cổ tiền.
Sau khi mất được ba năm đến đền thờ nghênh đón về miếu đình. Hàng năm từ xuân đến cuối đông thì các nghi tiết phụng thờ theo như cũ. Tế tự thần ở miếu vũ không được khác xưa mà quên bỏ. Nên lập riêng theo như bia đá để thọ truyền mãi mãi tại chợ Thọ Sơn.
Trên các nghi tiết về dâng cũng các vật lợn xôi rượu vàng mã phải tinh sạch. Đến khi tế thì mỗi xã thôn cử ra năm người tề chỉnh quần áo mũ để nâng lễ nhạc theo điển tế. Xã thôn nào thiếu người thì trong tế tự bàn bắt lợn rượu cùng tiền cổ 1 trăm năm mạch cùng lễ xong. Cũng như chia phần ăn uống hoặc ăn uống thì trong đền thờ như thờ tự thiếu người thì xã thôn bàn luận bắt lợn một con, tiền cổ 3 quan, rượu 1 vò. Tiền cổ 5 mạch dùng tế tự tại từ miếu. Tế xong ăn uống, cấm sa đoạ say khướt là tối kị trong văn ước đã ghi.
Hoàng hiệu can chi năm thứ … tháng … vượt qua ngày 15 …. , thôn xã phủ huyện là …, cùng toàn xã thôn là … kính cẩn dâng đồ tế sống tinh khiết, xôi, rượu trắng, tiền vàng các thức… dám kính cáo lên:
Trước bài vị của Tướng công (chức quan là…) khấn rằng: Nhớ xưa Tướng công là bậc trời sinh tài năng, đất chung đúc rộng lượng, nhân hậu ban ơn, như nước cam lộ tước khắp mùa xuân, đức lớn đắp bồi, ban ân bố đức như núi cao biển sâu, người đã đi xa, nhưng mưa móc vẫn còn tưới gội, nhớ mãi tới âm dung […], nay hương thơm ngào ngạt, một tấm lòng thành, xin đươc dâng rượu thơm kính xin về thượng hưởng.
Hoàng hiệu …. như trên, kính dâng các vật dám cáo lên:
Trước bài vị của quan chức Tướng công là …. khấn rằng: Người có đức tất được báo đáp, phép thường chẳng trái. Nay gặp đúng các tiết Xuân, Đoan ngọ, Trung thu, tiết Đông kính cẩn dâng lễ, xin về thượng hưởng.
Hoàng hiệu can chi năm thứ … tháng … , thôn xã phủ huyện là …, cùng toàn xã thôn là … kính cẩn dâng cơm tẻ, gà trống, xôi, rượu trắng, tiền vàng các thức… dám kính cáo lên:
Bậc tôn Tôn quý trước được tặng là Hiển cung Đại phu Tuyên Quang sứ Tán trị Thừa chánh sứ ti Tham nghị họ Hoàng, tự là Đạo Dịch, thụy là Đôn Mẫn phủ quân.
Trước bài vị của Chính thất người họ Hoàng được phong ấm là Nghi nhân, hiệu là Trinh Thục nhụ nhân: Duy đức sâu ân báo […] Nay ngày giỗ lại dến, xin kính dâng […] cùng về thượng hưởng.
HOÀNG BÙI TƯỚNG CÔNG BI CHÍ
HOÀNG BÙI TƯỚNG CÔNG GIA PHẢ BI KÍ
(HOÀNG BÙI HOÀN)
Bia được làm bằng một tấm đá nguyên khối, thuộc loại bia hộp biến thể 4 mặt, dựng ở bên phải đền thờ Tướng công Hoàng Bùi Hoàn, xã Quảng Trạch huyện Quảng Xương. Phần bố cục, tạo tác, hoa văn giống bia Hoàng Bùi Tướng công bi ký đã giới thiệu ở trên. Hiện nay bia còn khá đẹp, các phần chữ còn rất rõ.
Niên đại: Bảo Thái thứ 5 (1724).
Người soạn: Lê Vĩ, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Dần, Hoằng Tiến đại phu Quang lộc Tự khanh, Tu thận doãn, người Hòa Bình, Văn Giang, Thuận An, Kinh Bắc.
Nguồn tư liệu: Sưu tầm.
Nguyên văn chữ Hán:
Dịch nghĩa:
BÀI CHÍ VỀ HOÀNG TƯỚNG CÔNG,
BÀI KÍ BIA GIA PHẢ TƯỚNG CÔNG HỌ HOÀNG BÙI.
Ôi! Chí là để thuật công tích, ghi sự thực vậy!
Kính nghĩ: Tướng công họ Hoàng Bùi người xã Lưu Vệ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, quan lưu thủ xứ Thanh Hoa, Tri An Trường phủ Nội trấn cơ Cai cơ Thị nội giám Tư lễ giám, Tổng thái giám, Đô hiệu điểm, tư Hữu hiệu điểm, tước Vệ Quận công. Hoàng Bùi Tướng công thuộc hàng thế gia vọng tộc. Nhiều đời sống ở vùng Lưu Vệ nổi danh, vốn là đất tứ thần tụ khí bát quốc phong tàng, rồng cuộn hổ ngồi, địa linh nhân kiệt. Tiên tổ là những bậc danh công, nối đời dốc lòng trung trinh, có tài kinh bang tế thế.
Vào đời các chúa Trịnh nắm quyền đều làm quan nội thị. Tướng công là người xả thân vì nước, xông pha nơi biên ải, phong trần nơi hòn tên mũi đạn. Trong thì thống xuất cấm binh, ngoài thì trấn giữ một phương. Tước vị cao được tấn phong, lễ nguyên tự ghi rõ công trạng, cùng quốc gia chung hưởng thái bình phúc đức. Thanh danh ghi sử sách rực rỡ vô cùng, công nghiệp khắc đỉnh vạc muôn đời bất hủ. Tiếng thơm tràn đầy trong vũ trụ, sáng mãi như nhật nguyệt huy hoàng, vạn cổ về sau được thờ phụng chốn miếu đình. Không ai không đồng thanh hết lời tấm tắc ngợi khen huân nghiệp lớn lao của tướng công. Khí chất ưu tú, dáng vẻ đàng hoàng, nghiệp ông cha gìn giữ bồi đắp, chí hồ thỉ vẫn không lìa bỏ.
Năm Canh Thân (1680) dự bồi tế ở Nguyên Thánh Hoằng miếu, tự biết có duyên phụng thờ thánh chúa.
Năm Đinh Sửu (1697) theo hầu đức thánh Nguyên đức Quang Vương, đắc lực như cánh chim bằng phù giúp, trung thành trọn nghĩa bề tôi.
Năm Quý Mùi (1703) nghênh rước chúa thượng cai quản đất nước, trách nhiệm với con dân, Tướng công khi ấy luôn bên cạnh chúa thượng, như đại trụ kình thiên chống giữ khi biến loạn, tự như báu vật quốc gia vậy.
Năm Kỷ Sửu (1709) chúa thượng nắm ngôi gìn giữ cơ đồ. Tướng công lúc này làm cho trên dưới được giao hoà, nương rồng nấp phượng, Tướng công lại biết sáng suốt xử sự cẩn thận, hầu hạ cửu trùng giản dị mà long trọng. Nắm binh phiên cốt giản dị rõ ràng, luyện ba quân mạnh như gấu hổ. Giữ hiệu tiền thì rèn nghiêm quân lệnh, khiến bao phiến loạn dẹp yên. Khi nhận chức Tri tào thì thường xuyên luyện tập binh sĩ thuần thục, thực là nanh vuốt lợi hại, uy vũ của triều đình vậy. Khi quản cục đúc luyện thì khéo léo, tinh xảo đúng theo quy chuẩn. Khi tiễn sứ giả của Ai Lao thì lấy đức nước lớn để đối đãi, khiến họ được đội ơn. Quản thương thuyền ngoại quốc thì thi hành nghĩa nhân, vỗ về kẻ từ xa đến, khiến tất cả đều được đội ân huệ.
Năm Đinh Dậu (1717) chúa thượng sinh quận chúa, Tướng công vâng mệnh chăm nom. Lúc nhỏ thì chăm coi cẩn thận, khi lớn thì dạy bảo ân cần, tấm lòng của Tướng công chỉ một mực vì việc chung của đất nước vậy.
Năm Kỷ Hợi (1719), Tướng công phụng chiếu như đốc thúc việc tu sửa công quán. Ngày cầu phong trở về, tướng dân thân phụng nghênh tiếp Bắc sứ, nói năng khôn khéo, dùng lễ tiếp đãi, vừa làm vui lòng kẻ từ xa đến, lại vẻ vang quân mệnh, vừa rạng rỡ khánh trạch lại tỏ rõ được quốc uy, công lao ấy của Tướng công chẳng lớn lắm sao!
Năm Quý Mão (1723), Tướng công phụng sai trấn thủ xứ Thanh Hoa tri An Trường phủ Cai cơ chưởng ấn, pháp luật không thiên vị, chính sự nghiêm minh, có phép tắc, gian tà quy phục, trong cõi bình yên. Thật là bức thành vững chắc của đất nước. Tướng công đối với quốc gia như con ngựa kéo gỗ đại xa, khó nhọc gò lưng, gian lao vì nước, được coi là bầy tôi thân tín của chúa vậy. Bởi vậy mà [chúa] lấy quyền chức để trọng dụng, lấy tước hàm để thăng thưởng, lấy lộc hậu để ban tặng, lấy ân tình để hậu đãi. Cha mẹ song từ nhờ con mà được quý hiển. Lòng trung của Tướng công cảm kích đến các bậc thần minh. Đức hiếu của Tướng công khiến gia đình được rạng rỡ.
Ôi! Tướng công sinh vào thời thái bình, gặp được vua anh minh, hiển hách một thời, huân danh nổi bật, không ghi chép hết. Huống chi Tướng công lấy nhân làm bè, lấy nghĩa làm nhà, quyên tiền góp của, ban ân huệ khắp nơi. Nhờ vậy mà người dân được hưởng ân lớn của sông, làng xã được hưởng ân rộng như biển. Người xa vạn dặm đều được thấm nhuần ơn đức, cho nên khắc cốt ghi tâm, lo việc báo đáp.
Đến những năm Kỷ Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, các thôn Câu Đồng Nội, Câu Đồng Ngoại, Câu Đồng Thượng, Thượng Thọ, Phú Đa, Đông Phú, Đoài Nhân, Hương Hoả Tiền, Vạn Thu, Nhân Trạch, Nhân Hậu, Mãn Triều, Vạn Thu, Đông Nhân, Ma Mao, Trạch Đoài, Mãn Triều, Đắc Hưởng, An Tiền, Thọ Sơn, Ngọc Am, Quảng Độ, Đông Trung, Nhân Trạch, Ngoại Đa Sĩ, Ngoài Nội Giáp, Thọ Lộc, Văn Vật thuộc các xã Lưu Vệ, Hoằng Thanh, Cát Lâm, Bất Quần, Mỹ Khê, Mỹ Trạch, Văn Lâm, Thái Ngọc, Mai, Quang Chiểu, Quảng Xuyên của các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, thuộc phủ Tĩnh Gia và Thiệu Thiên cùng lập văn khế quy ước đến khi ngài trăm tuổi sẽ cùng nhau bầu làm tôn thần và xin lập bia ghi lại sự tích. Bèn vào ngày lành tháng 11 năm Đinh Dậu dựng bia hương hoả tại chợ xã Bất Quần, nên soạn duyệt về công tích của ngài để làm bài trí thuật lại di tích vậy.
Dựng bia ngày lành Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724).
Lê Vĩ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Canh Dần (1710), chức Hoằng Tín đại phu Quang Lộc Tự Khanh Tu Thận doãn, người làng Hòa Bình, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc soạn văn bia.
Tại sao phải làm bia ký? Là để tưởng nhớ công đức của tổ tông, truy ân nền nhân, phúc chỉ, nêu danh tính, tự hiệu của người tiêu biểu. Việc đem gia phả khắc trên bia ký cũng là để tử hiếu, tôn hiền mãi mãi không thể quên được mộ phần, việc táng tế, thế thứ của người đã khuất, cứ căn cứ vào đó có thể tìm được gốc tích của tổ tiên.
Hiển cao tổ khảo họ Hoàng, tự Phúc Tín. Ông là người bản tính sắt đá, tâm trong sáng như nước nguồn, như sương mai, khắc kỷ, phục hạnh […] lấy đạo nhân từ, đức hạnh, công bằng chính trực mà thi hành.
Hiển cao tổ lấy vợ cùng xã là Hoàng Thị, hiệu Từ Ý. Phu xướng, phụ tùy, việc làm ăn thì lấy nghề nông tang mà lạc nghiệp, lấy trung hiếu mà truyền dạy cho con cháu.
Ông bà sinh được một nam, ba nữ. Con cái được dạy dỗ chu đáo, kính phụ mẫu, rất mực từ hiếu.
Hiển cao tổ khảo mất ngày 25 tháng 12, táng tại xứ cửa Huyện, tọa Cấn hướng Khôn.
Hiển cao tổ tỷ mất ngày 2 tháng 6. Mong muốn ông bà, tổ tiên linh hiển, con cháu đi tìm hỏi thầy địa lý giỏi để chọn đất tốt, rồi táng xứ Quần Tốt, tọa Nhâm hướng Bính.
Trải đến Hiển tằng tổ khảo, húy là Văn Tiến, tự Cương Nghị, tồn dưỡng thiện tâm, giữ gìn chính đạo, khoan dung, độ lượng, rất ư cần kiệm.
Hiển tằng tổ lấy vợ người cùng xã, họ Hoàng, hiệu Từ Liêm.
Ông bà sống rất hòa hợp, đẹp duyên cầm sắt; sinh được hai nam, bốn nữ, trên dưới đều hòa mục, huynh đệ cung kính, hiếu đễ.
Hiển tằng tổ khảo mất ngày 25 tháng 8, táng tại xứ Biên Lược, tọa Nhâm, hướng Bính, huyệt mộ do một người Bắc quốc tục danh là Lang minh sư đặt hướng.
Hiển tằng tổ tỷ mất ngày 2 tháng 7, táng tại xứ Nạp Cốc, tọa Càn, hướng Cấn, huyệt mộ do một minh sư tên là Cương Hải chọn đất.
Đến Hiển tổ khảo, húy Văn Thắng, tự Đạo Nhân, giỏi về thi thư, văn học.
Lấy vợ cùng xã, họ Lê, húy là Thể, hiệu Từ Thiện. Hai họ sống nhàn nhã, êm đẹp, thân thiện như người cùng nhà, bà con làng xóm, hương ấp đều ngợi khen là nhân từ.
Ông bà sinh được ba nam, một nữ. Con gái thì rất mực đức hạnh, giữ mình trong trắng. Con trai thì tài giỏi, khéo léo.
Hiển tổ khảo mất ngày 28 tháng 12 năm Bính Thìn, táng tại xứ Quần Mộ, tọa Quý, hướng Đinh, do Lưu thủ quan xứ An Quảng là Cổn Long hầu và Huyện thừa huyện Thanh Hà là Nguyễn Hữu Luân chọn đất hạ huyệt.
Hiển tổ tỷ mất ngày mồng 1 tháng 10, táng tại xứ Mả Đỗ, tọa Nhâm, hướng Bính, huyệt mộ do Huyện thừa Thanh Hà Nguyễn Hữu Luân chọn đất.
Truyền đến Hiển khảo húy là Văn Nhữ, vốn sẵn tính trời, rất mực thành thực, giữ lòng chính trực, khoan hòa, tích thiện, nhân ái, đem điều thiện mà đối đãi với mọi người.
Hiển khảo lấy vợ cùng xã, họ Hoàng, húy là Lớn. Con gái họ Hoàng là người thục nữ, mang phẩm chất mà người quân tử mong cầu, cho nên cũng chọn được người tương xứng kết hôn, giữ đạo làm vợ đẹp tốt như cây Đường, cây Lệ xum xuê hoa lá. Vợ chồng luôn nghĩ đến chuyện nhường nhịn, nhân ái, yêu thương nhau.
Ông bà sinh được hai nam, một nữ, dạy giỗ chu đáo, gia pháp nghiêm minh.
Hiển khảo mất ngày 26 tháng 7 năm Quý Dậu, táng tại thôn Thọ Lộc, xã Quang Chiểu, huyện Đông Sơn, tọa Tân Mùi, hướng Tân Sửu; huyệt mộ do quan Trấn thủ xứ Hải Dương là Cổn Quận công chọn đất.
Đến năm Quý Tỵ được phong là Hiển Cung đại phu Tuyên Quang xứ Tán trị thừa chính sứ ty Tham nghị, tự Đạo Tuấn, thụy Đôn Mẫn phủ quân.
Hiển tỷ mất ngày 26 tháng 7 năm Giáp Ngọ, táng tại xứ Mả Cách, thôn Đa Sĩ, xã Quang Chiếu, huyện Đông Sơn; tọa Tân Hợi, hướng Tân Tỵ, do Lưu thủ quan xứ Thanh Hoa là Hưng Quận công định huyệt. Cùng năm ấy được phong là Tuyên Quang xứ Tán trị Thừa chính sứ ty Tham nghị Nghi nhân, hiệu là Trinh Thục nhụ nhân.
Đến đời ta, tự là Bùi Hoàn, chính là con trai thứ của ông Tham nghị Đạo Tuấn và bà Trinh Thục. Ta may mắn sinh vào ngày lành tháng tốt năm Giáp Thìn, lớn lên tình cờ gặp thời vận tốt đẹp, lại nhờ nỗ lực của bản thân mà được vinh hiển.
Năm Canh Thân (1680) được theo hầu trong thâm cung của đức tổ Dương Vương, ấy chính là vận hội vậy.
Năm Đinh Mão (1687) lại được hầu hạ đức Quang Vương, luôn ra vào bên cạnh, thân cận trước nhà.
Năm Đinh Sửu (1697) đội ơn đức cửu trùng, một vai gánh vác.
Năm Mậu Dần (1698) phụng chỉ quản đội Nội hầu Hãn nhất trượng.
Năm Kỷ Mão (1699) cung phụng gia chỉ làm Nội hầu hãn tượng đội. Lại cung phụng ngự chỉ chuyên nắm giữ Tư nội sai thủy ngư.
Năm Quý Mùi (1703) vâng phụng chúa thượng ngự Nam môn phủ, quyền coi sóc việc nước, bởi thấy nhiều công lao, giữ một trung hầu chúa, ban chỉ Nội sai thủy súy.
Năm Bính Tuất (1706) phụng chỉ quản đội Nội hậu tượng.
Năm Kỷ Sửu (1709) được phong chức Tả Thiếu giám, lại chuẩn cho làm Thiêm tri bộ Binh và quản Thị hậu Nội hãn và Nội tả lực sĩ.
Năm Tân Mão (1711) được trúng khảo hạc dự vào hạng ưu.
Năm Quý Tỵ (1713) được thăng chức Thượng vũ Ty lễ giám nha môn, lại sắc cho làm Đồng tri giám sự.
Năm Giáp Ngọ (1714) vâng chỉ nhận sắc thăng Thiêm thái giám, lại được chỉ cho làm quan phó cai cơ.
Năm Ất Mùi (1715) cung phụng ngự thư công quyền.
Năm Mậu Tuất (1718) khảo khóa việc cai trị dân, được dự vào hạng ưu, chuẩn cho làm Phó Tri binh phiên. Rồi đến ngày 25 tháng 8 có bản tấu dâng lên, trong đó xin cung tiến ruộng riêng của nhà gồm 1 mẫu tại xứ Ma Thẩm, 1 mẫu tại xứ Đồng Tông, 9 sào tại xứ Nô Điện, 2 sào tại xứ Nghi Án, tổng cộng là 4 mẫu. Cúi xin đổi lấy 3 mẫu quan điền tại xứ Lũy Tre thôn Câu Đồng Thượng liền với xứ Hạ Lang và một mẫu quan thổ tại xứ Sau Đồng thôn, Câu Đồng Nội, cộng là 4 mẫu làm đất ở. Kính được đức lớn thể tình thương đến, ban sắc chỉ cho phép làm sản nghiệp truyền mãi về sau.
Năm Kỷ Hợi (1719), phụng lệnh đốc thúc tu sửa công quán, thân tiếp đón Bắc sứ.
Năm Canh Tý được thăng chức Đô Thái giám.
Năm Tân Sửu vì nỗ lực trừ kẻ gian, được ban chế mệnh thăng chức Tổng Thái giám Đô hiệu điểm, Tư hữu hiệu điểm tước Quận công.
Năm Quý Mão phụng sai làm quan Lưu thủ xứ Thanh Hoa, Cai cơ chưởng ấn, Tri An trường phủ.
Năm Giáp Thìn được ngự chỉ cho làm lâu chính ngự, công đường, quan khố, toàn dùng ngạch Lâm Hổ, lại vào năm ấy mới được ban Hùng tượng để trấn quốc.
Ta thường nghĩ, sở dĩ có thân này, vinh hoa phú quý, phúc lộc này, được đội ơn thánh trạch nhiều như vậy là do ân trạch cao sâu nuôi dưỡng sinh thành của Tiên nhân. Cho nên đối với những điều đó, ta luôn ngưỡng mộ như kẻ bưng ngọc quý, cẩn thận như đi trên giá mỏng, bước gần vược sâu, ấy là để di mưu cho con cháu ngàn đời. Vậy nên khắc bia truyền lại hậu thế.