THEO DÒNG LỊCH SỬ DÒNG HỌ HOÀNG BÙI
Tác giả: Hoàng Bùi Tư – Đời thứ 15
Cán bộ Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hoá
Phần 1:
Dòng họ Hoàng Bùi còn được gọi là họ gì?
Đề thờ Vệ Quốc Công-Thái Phó Hoàng Bùi Hoàn còn được gọi tên là gì? Tại sao Đền thờ, lăng mộ của tướng công lại có kiến trúc bằng đá độc đáo như vậy? 
Lúc còn nhỏ tôi được thầy tôi kể cho nghe rất nhiều câu chuyện cổ như là: BÀNG QUYÊN TÔN TẨN; Sự tích Lưu Bang chém rắn trắng dấy binh khởi nghĩa; Điển tích Nằm gai nếm mật của Việt Câu Tiễn nói về sự chịu đựng gian khổ của Việt Vương Câu Tiễn để đánh bại vua Ngô là Phù Sai báo thù cho nước Việt; LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ nói về tình bạn và sự hiếu học; mối tình đôi lứa của LƯƠNG SƠN BÁ TRÚC ANH ĐÀI; truyện Tam quốc chí; Thủy Hử và rất nhiều câu chuyện khác nữa…
Khoảng 6-7 tuổi, có lần mẹ tôi dẫn tôi xuống xóm Đồng để thăm ông chú gọi theo tên con gái là ông Dểnh (là em trai ông nội tôi) sau đó sang thăm nhà bác Hoàng Bùi Thao (Trưởng họ đời 14), khi đó đang còn nhà thờ họ trông cổ kính uy nghi.
Về nhà tôi nói với thầy tôi: Con với mẹ vừa xuống Câu Đồng thăm ông Dểnh và sang thăm nhà thờ họ thầy à.
Thầy tôi nói; ông Dểnh trước đây khỏe lắm đấy, một mình ông đi bộ lên tận Như Xuân mua gỗ rồi vác bộ về để làm nhà, ông rất siêng năng và cũng hay thơ ca hò vè. Thầy tôi nói tiếp: nhà mình trước đây ở ngay bên cạnh nhà thờ tổ, đến năm 1969 mới chuyển lên xóm trại (nay là Trạch Hồng). Rồi thầy tôi kể; ông nội của thầy là ông Hoàng Bùi Bởng (là trai cả của cố Hoàng Bùi Tiệp) trước đây cũng tham gia phong trào Cần Vương. Thầy và bác Thao ngang vai với nhau, cố Tiệp nhà mình với cố Duyên, cố Thúy, cố Kim là 4 anh em ruột (là con của cụ trưởng tộc đời thứ X), cố Duyên là anh cả, cố Thúy là con thứ hai, cố Tiệp là con thứ ba, cố Kim là con út. Do cố Tiệp là con trai của cụ trưởng tộc (đời thứ X), sinh ra ông Bởng (trai cả), ông Bởng sinh ra ông Quớt (trai cả) là ông nội của tôi (ông nội tôi mất khi thầy tôi được khoảng chín tháng tuổi. Thầy tôi lớn lên được sự nuôi dưỡng của bà nội tôi, các ông chú trong nhà) nên nhà mình mới được ở ngay bên cạnh nhà thờ họ, còn các ông Kiến, ông Câu phải chuyển ra bên ngoài đất nhà thờ để ở.
Thầy tôi kể: Lúc nhỏ thầy tôi được bác trưởng tộc đời 13 là ông Hoàng Bùi Quắc dạy chữ nho, ông có nghề làm thuốc.
Thầy tôi cũng kể: Họ Hoàng Bùi cũng có tên nữa là họ Dinh. Tôi hỏi; tại sao lại có tên là họ Dinh thầy nhỉ? Thầy tôi kể: Bởi vì cụ Hoàng Bùi Hoàn (đời thứ V) là võ tướng trong triều Lê, mỗi lần cụ nhận sứ mệnh của triều đình thực thi công vụ, có những lần cụ ghé về thăm quê ở trang Câu Đồng và cho quân lính lập doanh trại (quân doanh) ngay tại khu vực xóm Đồng ngày nay. Nên từ đó nhân dân quanh vùng gắn sự kiện kể trên gọi là họ Dinh (họ sinh ra tướng công Hoàng Bùi Hoàn). Bởi do chữ Dinh theo nghĩa Hán là nơi đóng quân/quân doanh/doanh trại. Cũng từ đó ngõ đi vào nhà thờ họ Hoàng Bùi có tên là ngõ họ Dinh
Thầy tôi cũng kể thêm một tình tiết nữa là: cụ Hoàng Bùi Hoàn có những lần được chúa Trịnh giao cho nhiệm vụ khai thác và vận chuyển đá về Kinh thành Thăng Long để xây dựng, kiến thiết những công trình có liên quan đến vật liệu đá.
Kiến trúc đá đặc biệt của di tích quốc gia Đền thờ và mộ Vệ Quốc Công-Thái phó Hoàng Bùi Hoàn 
Có một lần tôi hỏi thầy tôi: Sao người ta lại gọi là Đền Chỉ thầy nhỉ? Thầy tôi giải thích; chữ Chỉ theo nghĩa Hán là Chỉ dụ của vua ban cho bề tôi có công trạng với đất nước. Như vậy cụ Hoàng Bùi Hoàn nhà mình được vua ban cho Chỉ dụ được phép xây dựng Đền để ghi nhớ công lao. Nên Đền được gắn thêm chữ Chỉ gọi là Đền Chỉ (Đền Thờ Chỉ).
Đến đây tôi buột miệng nói với thầy tôi: Vì sao gọi là họ Dinh, Đền Chỉ đều có nguyên do của nó cả phải không thầy? Thầy tôi nói: Đúng rồi con. Thầy tôi cũng kể thêm một chi tiết nữa là con có thấy không Đền Chỉ rất khác biệt với những ngôi Đền khác ở chỗ: Đền Chỉ phần dưới là các cột đá, phần trên là gỗ. Bên ngoài là ngựa đá, voi đá, chó ngao đá, ông phỗng đá, bia đá, lăng mộ của cụ cũng làm bằng đá….trên quê vợ cụ ở làng Voi cũng có hai kiệu đá để thờ cụ và vợ cụ
Thầy tôi hỏi; con biết vì sao các công trình kiến trúc của cụ Hoàng Bùi Hoàn đều làm bằng đá không? Tôi suy nghĩ nhưng cũng không trả lời nổi. Khi đó thầy tôi mới bảo: Vì cụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Triều đình giao phó cho đó là về xứ Thanh Hoa khai thác vận chuyển đá ra kinh thành Thăng Long để phục vụ kiến thiết nước nhà nên từ đó Triều đình ban cho cụ đặc ân là được phép xây dựng những công trình ở quê hương có sử dụng đến vật liệu là đá.
Tôi nghe thầy tôi kể lại đến đây mà cảm thấy tự hào là lớp hậu duệ của cụ một thời lững lẫy.
(còn tiếp)