VỆ QUẬN CÔNG HOÀNG BÙI HOÀN VÀ DÒNG HỌ HOÀNG BÙI

Thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá

Ngày nay, từ Thành phố Thanh Hoá đi theo quốc lộ 1A hướng về phía Nam đến thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, để đi đến thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, du khách có thể rẽ vào đường Hoàng Bùi Hoàn, con đường mang tên một vị Quận Công lừng danh một thời được lịch sử ghi nhận. Trên con đường rải nhựa rộng thênh thang, hai bên là cánh đồng lúa, trước khi vào thôn chúng ta gặp khu lăng mộ tướng công Hoàng Bùi Hoàn bên phải, sau đó là khu Di tích quốc gia Đền thờ, lăng mộ Thái tể Bùi Sĩ Lâm, rồi đến Di tích quốc gia Đền thờ, lăng mộ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn. Đây là một vùng đất đặc biệt của huyện Quảng Xương khi có hai di tích được công nhận là Di tích quốc gia, được bảo vệ trên địa bàn một thôn. Thôn Câu Đồng, nơi có nhiều dòng họ cùng sinh sống hoà thuận từ bao đời, có dòng họ Hoàng Bùi với nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương theo suốt chiều dài lịch sử.

Nói về dòng họ Hoàng Bùi, theo gia phả của dòng họ còn giữ được nguyên vẹn thì dòng họ Hoàng Bùi phát tích từ trang Đông Cầu, tỉnh Hải Dương (Có thể là Làng Đông Cầu, Xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Cụ khởi tổ là Hoàng Tính từ Hải Dương vào làm ăn ở trang Câu Đồng, phủ Tĩnh Gia, tổng vệ Yên, ngày nay là thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, lập nên dòng họ Hoàng Bùi tồn tại và phát triển gần 500 năm nay với 18 đời, 450 hộ và gần 1500 khẩu.

Dòng họ có 4 chi:

  • Chi nhất có 2 cành, trong đó cành trưởng Hoàng Bùi ở lại nhà tổ ở làng Câu Đồng xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa; cành 2 Hoàng Trọng ở làng Cổ Hậu, xã Quảng Tân nay là thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương.
  • Chi hai có 2 cành, trong đó cành Hoàng Văn hay Lê Ích ở làng Lưu Huyền – Lệch Giang, xã Quảng Lưu huyện Quảng Xương và cành Hoàng Doanh ở làng Trường Lệ, xã Quảng Vinh, Quảng Xương, nay là TP. Sầm Sơn.
  • Chi ba Hoàng Ngọc ở làng Ngọc Đới, sau này ông bà sinh quý tử đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan tri phủ ở Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên và cũng từ đó không còn hiên lạc với họ tổ nữa.
  • Chi bốn Nguyễn Hoàng ở làng Thịnh Trị xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Về Quận công Hoàng Bùi Hoàn, ông là một võ tướng, làm quan suốt 3 triều vua Lê: Vua Lê Gia Tông (1672-1676), Vua Lê Hy Tông (1676-1705), Vua Lê Dụ Tông (1705-1729), đã được phong đến chức Quận Công. Ông là một vị quan đức độ, có tấm lòng yêu thương và chăm lo cho nhân dân, từng vì nhân dân mà dâng khải lên Chúa Trịnh trình bày mười hai điều nên làm. Về công trạng của tướng công, sách Đại Nam Nhất Thống Chí tập VI do Quốc Sử giám triều Nguyễn biên soạn có ghi: “Hoàng Bùi Hoàn người huyện Quảng Xương đời Bảo Thái làm Tả Đô Đốc Trường lưu thủ Trấn Thanh Hoa, gia phong Thái bảo, chết tặng Thái Phó Tước: Vệ quốc tổng sách đã dẫn trang 2783 niên hiệu Thái bảo đời vua Lê Dụ Tông. Văn bia tại đền thờ còn lưu giữ nguyên vẹn có ghi công trạng của cụ:

“ Nắm binh phiên cốt giản dị rõ ràng

Luyện ba quân mạnh như hổ gấu

Giữ hiệu tiền thì rèn nghiêm quân lệnh

Khiến bao biến loạn dẹp yên

Khi nhận chức trừ tào thì thường xuyên luyện tập quân sỹ thuần thục

Thực là nhanh vuốt, uy vũ của triều đình”

(Trích bia tướng công Hoàng Bùi Hoàn)

Khi Quận công qua đời, ghi nhớ ơn người, nhân dân 28 làng xã ở hai huyện Quảng Xương và Đông Sơn lập khế ước cùng nhau dâng lễ vật cúng tế cụ tại đền thờ vào ngày 25/7 âm lịch hàng năm. Tục lệ này đến nay vẫn còn được duy trì. Đền thờ tướng công được nhà nước cấp tiền, nhân dân trong vùng góp công sức xây dựng nên. Đó là một ân sủng hiếm có của triều đình. Đền thờ được đánh giá là di tích có một không hai ở Thanh Hóa. Toàn bộ phần mái trên của ngôi đền được đặt trên 4 dãy cột 24 cột đá vuồng 0,25×0,25×1,97m. Cột được trau chuốt cẩn thận và có khắc câu đối ở giữa mỗi cây cột. Bàn thờ và hương án các cặp vệ sỹ, đôi hạc, đôi ngựa, đôi voi, đôi chó ngao đều bằng đá đục đẽo công phu. Ngày 18 tháng 4 năm 2013 Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật mộ và đền thờ Hoàng Bùi Hoàn xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là di tích Quốc Gia. Đến năm 2018, tên Hoàng Bùi Hoàn được đặt cho tên một con đường lớn của thị trấn Tân Phong nối từ Quốc lộ 1A đến xã Quảng Trạch. Theo đó, được sự đầu tư của nhà nước và nhân dân trong vùng, tháng 8 năm 2019, công trình trùng tu nghinh môn, nhà che bia đền thờ tướng công theo nguyên bản đã được hoàn thành làm tôn lên vẻ uy nghi, linh thiêng của ngôi đền 300 năm tuổi.

 

 

    Ảnh 1: Toàn cảnh đền thợ Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn

Ảnh 2: Nghinh môn và nhà che bia đền thờ tướng công Hoàng Bùi Hoàn (Di tích quốc gia)

Trên hai cột đá của nghinh môn có đôi câu đối Hán Nôm như sau:

“Nam Quốc Anh Tài Lê Hậu Thế

Bắc Phương Tuấn Kiệt Hoàng Tộc Môn”

 

Ảnh 3: Hoạt động tế lễ Hội kỵ 25 tháng 7 âm lịch hàng năm vẫn được duy trì

Ảnh 4: Khu lăng mộ Quận công Hoàng Bùi Hoàn được bảo tồn chu đáo

Ảnh 5: Tác giả bên tấm biển đặt tên đường Hoàng Bùi Hoàn ở thị trấn Tân Phong

Ảnh 6: Khuôn viên Nhà thờ tổ dòng họ Hoàng Bùi tại thôn Câu Đồng

Dòng họ Hoàng Bùi lập nghiệp ban đầu ở vùng đất Quảng Trạch, Quảng Xương gần 500 năm nay ngoài danh tướng Hoàng Bùi Hoàn, các đời của dòng họ đều có người làm quan và đóng góp cho dân, cho nước. Ngày nay, tự hào về truyền thống của gia tộc, tiếp bước các thế hệ cha ông, con cháu dòng họ Hoàng Bùi cũng có nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm việc học hành ở các lĩnh vực khác nhau trên khắp các vùng miền của quê hương, đất nước, họ đã và đang nỗ lực để đóng góp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước và viết tiếp những trang sử của gia đình, dòng họ.

Tác giả: PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải – Hậu duệ đời 16 dòng họ Hoàng Bùi

Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Điện thoại: 0984128080; Email: hoangbuihai@gamil.com