Hiểu thêm về chữ Bùi trong tên của dòng họ Hoàng Bùi ở thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá

Hoàng Bùi Thơm (1)

Hoàng Bùi Hải (2)

1: Trưởng tộc đời thứ 15 dòng họ Hoàng Bùi

2: Hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Hoàng Bùi

 

Nhân có một vài ý kiến liên quan giữa dòng họ Hoàng Bùi và họ Bùi trong câu chuyện được truyền miệng mà không rõ nguồn gốc, chúng tôi xin được nêu ra một số điểm liên quan để làm rõ hơn vấn đề.

Khi nói về tiền nhân của lịch sử, những gì đã xảy ra quá lâu rồi, là chúng ta cần cố gắng tìm hiểu kỹ, nhất là văn bia đã dịch chuẩn, gia phả và đặc biệt rồi tài liệu chính thống, do hạn chế về lịch sử bảo quản một số tích chỉ còn là truyền miệng có thể chỉ có giá trị trong phạm vi hẹp. Về việc này, một số ý kiến cho rằng “Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn, vốn là họ Hoàng nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Thái tể Nhạc Quận Công Bùi Sỹ Lâm mà thành danh, nên cụ đã chịu ơn và lấy họ Bùi như tên đệm”. Nhận định này cũng gần gũi với bài viết của Kỹ sư Hoàng Nghĩa Lược (Ban liên lạc dòng họ Hoàng-Huỳnh Việt Nam) trong cuốn sách “Nhân vật lịch sử họ Hoàng – Huỳnh Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2010, chương 82 nói về Vệ Quận Công, từ trang 148 đến trang 152, nói cụ Hoàng Bùi Hoàn sinh năm Tân Sửu (1661) cũng không giống với văn bia dịch là năm Giáp Thìn (1664)), có nhắc đến ở trang 148, từ dòng 18 đến 21 như sau: “Ông được Thái tể Nhạc Quận Công Bùi Sĩ Lâm, người cùng xã dìu dắt phụng sự nhà Lê mà trưởng thành. Để tỏ lòng biết ơn Bùi Sĩ Lâm, Hoàng Văn Hoàn đã ghép tên họ Bùi với họ Hoàng, gọi là Hoàng Bùi Hoàn.” Tuy nhiên tác giả Hoàng Nghĩa Lược không đưa ra được dẫn chứng hay tài liệu tham khảo để kiểm chứng giả thuyết, chúng tôi mong tác giả Hoàng Nghĩa Lược làm sáng tỏ vấn đề quan trọng này.

Chúng tôi xin được trình bày trình bày thông tin đã tìm hiểu và phân tích như sau:

Thứ nhất, chúng ta lưu ý đến ngày sinh và mất của các vị tiền nhân liên quan, trong đó, về năm sinh của Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn theo văn bia được dịch nghĩa như sau: “Đến đời ta, tự là Bùi Hoàn, chính là con trai thứ của ông Tham nghị Đạo Tuấn và bà Trinh Thục. Ta may mắn sinh vào ngày lành tháng tốt năm Giáp Thìn (1664), lớn lên tình cờ gặp thời vận tốt đẹp, lại nhờ nỗ lực của bản thân mà được vinh hiển. Năm Canh Thân (1680) được theo hầu trong thâm cung của đức tổ Dương Vương, ấy chính là vận hội vậy…”, còn về Nhạc Quận Công, Thái Tể Bùi Sỹ Lâm, theo Di tích và danh thắng Quảng Xương thì Nhạc Quận Công họ Bùi Sỹ mất năm 1643: “Thái tể Bùi Sỹ Lâm sinh năm Tân Tỵ (1551), mất năm Mậu Thìn (1643) khi đang còn tại chức, hưởng thọ 92 tuổi. Ông sinh ra tại xã Lưu Vệ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay)”. Như vậy cụ Bùi Sỹ Lâm mất, sau 21 năm thì cụ Hoàng Bùi Hoàn mới sinh ra. Bởi vậy, cụ Hoàng Bùi Hoàn, bắt đầu làm quan ở tuổi 20, cộng với 21 năm sinh sau cụ Bùi Sỹ Lâm, có thể vì ngưỡng mộ tài năng, đức độ của bậc tiền bối, chứ không có lí do gì để chúng ta khẳng định hai bậc tiền nhân lại là anh em kết nghĩa cùng quê để lấy tên lót là Bùi”.

Thứ hai, qua tìm hiểu về danh nhân trong vùng cùng thời chúng tôi đặt ra câu hỏi: Có phải thân mẫu Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn là người họ Bùi như trường hợp của Dực Quận Công Lê Bùi Vị (hay Lê Bá Trí), một danh nhân triều Lê Trung Hưng, sinh sau Vệ Quận Công đúng 50 năm? Theo Di tích và danh thắng huyện Quảng Xương thì Dực Quận Công Lê Bùi Vị (hay Lê Bá Trí) – người làng Nhân Hậu, xã Lưu Vệ, tổng Lưu Vệ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, nay là làng Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh ngày 27 tháng 10 năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa thứ 14 (1693), đời vua Lê Hy Tông (1676 – 1705 ). Ông là con thứ hai của đức khởi tổ dòng họ Lê Bá là Lê Bá Trực và mẹ là Bùi Thị Nghiêm. Để nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ, ông đã thay chữ Bá thành chữ Bùi (tên họ của mẹ), nên gọi là Lê Bùi Vị…Quận công Lê Bùi Vị mất ngày 9 tháng 8 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774), sau khi ông mất đã được nhà vua ban sắc phong tặng là: Trung Đẳng Phúc Thần,với các mỹ tự Địch Trung Hiển Thánh, Anh Liệt Linh Sảng, Thần Uy Đại Vương, Dực Bảo Trung Hưng tôn thần rồi Đôn Ngưng tôn thần, Linh Phù tôn thần, Quang ý Đại vương tôn thần.

Trong khi đó về thân mẫu của Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn là người họ Hoàng. Bằng chứng trong văn bia “Hoàng Bùi tướng công bi chí- Hoàng Bùi Tướng công gia phả bi kí” đặt tại đền thờ Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn ở thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá có ghi rất rõ là: “…Hiển khảo húy là Văn Nhữ (tức là thân phụ của Vệ Quận Công), vốn sẵn tính trời, rất mực thành thực, giữ lòng chính trực, khoan hòa, tích thiện, nhân ái, đem điều thiện mà đối đãi với mọi người. Hiển khảo lấy vợ cùng xã, họ Hoàng, húy là Lớn (là thân mẫu của Vệ Quận Công). Con gái họ Hoàng là người thục nữ, mang phẩm chất mà người quân tử mong cầu, cho nên cũng chọn được người tương xứng kết hôn, giữ đạo làm vợ đẹp tốt như cây Đường, cây Lệ xum xuê hoa lá. Vợ chồng luôn nghĩ đến chuyện nhường nhịn, nhân ái, yêu thương nhau. Ông bà sinh được hai nam, một nữ, dạy giỗ chu đáo, gia pháp nghiêm minh. Hiển khảo mất ngày 26 tháng 7 năm Quý Dậu (1693), táng tại thôn Thọ Lộc…; huyệt mộ do quan Trấn thủ xứ Hải Dương là Cổn Quận công (Văn Đình Nhậm) chọn đất. Đến năm Quý Tỵ (1713) được phong là Hiển Cung đại phu Tuyên Quang xứ Tán trị thừa chính sứ ty Tham nghị, tự Đạo Tuấn, thụy Đôn Mẫn phủ quân. Hiển tỷ mất ngày 26 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1714), táng tại xứ Mả Cách…, do Lưu thủ quan xứ Thanh Hoa là Hưng Quận công định huyệt. Cùng năm ấy được phong là Tuyên Quang xứ Tán trị Thừa chính sứ ty Tham nghị Nghi nhân, hiệu là Trinh Thục nhụ nhân”.

Tóm lại qua vài nét lịch sử liên quan đến chữ Bùi trong tên dòng họ Hoàng Bùi, thông qua thân thế sự nghiệp của Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn (1664-?) cũng như của các danh nhân ở xã Lưu Vệ xưa: Thái tể Nhạc Quận Công Bùi Sỹ Lâm (1551-1643) và Dực Quận Công Lê Bùi Vị (Lê Bá Trí) (1693-1774), chúng ta thấy nhận định truyền miệng rằng Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn lấy tên lót họ Bùi của Thái tể Nhạc Quận công Bùi Sỹ Lâm vì có liên quan đến sự giúp đỡ trực tiếp của cụ họ Bùi Sỹ tới cụ họ Hoàng Bùi là không có cơ sở. Cũng như Bùi cũng không phải là họ của thân mẫu của Vệ Quận Công Hoàng Bùi Hoàn. Là hậu duệ của tiền nhân, chúng ta cố gắng tìm hiểu nguồn gốc cũng là một cách để lịch sử được tiếp nối. Thay cho lời kết chúng ta có thể đọc lại văn bia: “Tại sao phải làm bia ký? Là để tưởng nhớ công đức của tổ tông, truy ân nền nhân, phúc chỉ, nêu danh tính, tự hiệu của người tiêu biểu. Việc đem gia phả khắc trên bia ký cũng là để tử hiếu, tôn hiền mãi mãi không thể quên được mộ phần, việc táng tế, thế thứ của người đã khuất, cứ căn cứ vào đó có thể tìm được gốc tích của tổ tiên”.

Tài liệu tham khảo:

  1. Di tích và danh thắng huyện QUảng Xương, tập 1, NXB Thanh Hoá, do Huyện Uỷ, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân huyện Quảng Xương chỉ đạo biên soạn (http://quangxuong.thanhhoa.gov.vn/…/Di-tich-va-danh…).
  2. Hoàng Nghĩa Lược, “Nhân vật lịch sử họ Hoàng – Huỳnh Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2010.
  3. “Hoàng Bùi tướng công bi chí- Hoàng Bùi Tướng công gia phả bi kí”, Bản dịch đầy đủ Viện Hán Nôm.